Các loại bệnh viêm gan thường gặp
Viêm gan là một trong những bệnh lí vô cùng nghiêm trọng, thường dẫn đến nhiều tác hại gây nguy hiểm đến sức khỏe cũng như tính mạng của người bệnh. Viêm gan được hiểu đơn giản là gan bị viêm nhiễm, vì nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến các tế bào gan bị tổn thương, hủy hoại, các chức năng gan suy giảm rõ rệt. Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất của cơ thể và nắm giữ nhiều vai trò quan trọng, một khi gan bị tổn thương thì các cơ quan khác cũng ảnh hưởng không ít.
Viêm gan được chia làm 2 loại là viêm gan truyền nhiễm và viêm gan không truyền nhiễm, từ đó hình thành nên các bệnh viêm gan thường gặp như là:
➢ Viêm gan do virus: đây là viêm gan truyền nhiễm, nguyên nhân gây bệnh là do sự lây nhiễm virus (virus siêu vi A, B, C, D), các virus này xâm nhập từ các con đường máu, đường quan hệ tình dục, đường truyền từ mẹ sang con, từ đó virus hoạt động gây hủy hoại các tế bào gan.
➢ Viêm gan không truyền nhiễm: là loại bệnh viêm gan do các nguyên nhân bên ngoài tác động vào gan, không có tính truyền nhiễm. Các bệnh viêm gan không truyền nhiễm phổ biến như viêm gan do rượu, viêm gan do thuốc, gan nhiễm mỡ, viêm gan tự miễn, xơ gan do rượu, viêm gan do các chất độc hại…
Các nguyên nhân tác động dẫn đến bệnh viêm gan. (Ảnh minh họa)
Việc tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh là rất quan trọng trong việc tiến hành xét nghiệm và lập phương hướng điều trị bệnh gan. Tùy từng nguyên nhân gây bệnh khác nhau mà có phương pháp điều trị khác nhau.
Ý nghĩa xét nghiệm viêm gan
Viêm gan là một loại bệnh lí phát triển âm thầm, thường không có các dấu hiệu nhận biết rõ ràng. Các triệu chứng không có tính đặc thù tương tự như bệnh càm thông thường, do vậy bệnh nhân thường hay lầm tưởng bỏ qua, khi cơ thể đã nhiễm bệnh rồi nhưng lại không phát hiện, đợi đến khi bệnh tình trở nặng, các triệu chứng trở nên trầm trọng thì lúc ấy đã chuyển sang giai đoạn nặng, điều trị khó khăn và tốn kém hơn.
Vì thế, việc làm các xét nghiệm để chẩn đoán viêm gan là rất cần thiết, có thể bạn thực hiện theo định kì 6 tháng/lần hoặc khi cơ thể thấy xuất hiện các dấu hiệu điển hình như rối loạn tiêu hóa, rối loạn nội tiết tố, đau gan, da đổi màu,… thì phải xét nghiệm kiểm tra viêm gan ngay. Dưới đây là các xét nghiệm viêm gan và ý nghĩa của từng loại xét nghiệm mà bạn có thể tham khảo:
1. Kiểm tra 5 hạng mục viêm gan B:
HBsAg, HBsAb, HBeAg, HBeAb, HBcAb. Xét nghiệm 5 hạng mục viêm gan B để chẩn đoán bệnh viêm gan B, biết được cơ thể có mang virus hay không hoặc sự nhân lên của virus mạnh hay yếu.
➢ HBsAg: Nếu kết quả cho chỉ số (+) có nghĩa là cơ thể bệnh nhân mang virus HBV, cần làm thêm xét nghiệm HBeAg để chẩn đoán thêm. Nếu HBsAg (-) thì cơ thể không nhiễm virus, cần tiêm phòng vắc xin.
➢ HBsAb: Nếu kết quả cho chỉ số (+) thì cơ thể đã sinh ra kháng bộ hộ virus HBV.
➢ HBeAg: Kết quả (+) cho thấy virus đang hoạt động mạnh và nhân lên
➢ HBeAb: Kết quả (+) cho thấy virus phát tán ít, truyền nhiễm chậm.
➢ HBcAb: Kết quả (+) chứng tỏ cơ thể có mang virus, nhưng lành tính, có thể đã từng nhiễm viêm gan B.
2. Xét nghiệm kháng thể HCV:
Xét nghiệm kháng thể HCV hoặc được gọi là Anti-HCV, đây là xét nghiệm để chẩn đoán, phát hiện bệnh viêm gan C. Nếu Anti-HCV cho kết quả (+) thì có nghĩa là cơ thể đã mang virus siêu vi C, cần làm thêm xét nghiệm men gan để có thể có chẩn đoán chính xác hơn về bệnh.
3. Xét nghiệm HBV-DNA:
Đây là xét nghiệm để định lượng và định tính virus HBV, dùng để theo dõi và điều trị bệnh viêm gan B. Kiểm tra định lượng để biết được lượng virus có trong cơ thểm có hoạt động hay không. Kiểm tra định tính để biết được tính truyền nhiễm của virus cao hay thấp, hoạt động lây lan như thế nào.
Xét nghiệm máu để có thể phát hiện được virus xâm nhập hoặc men gan tăng cao để chẩn đoán bệnh gan (Ảnh minh họa)
4. Kiểm tra HCV-RNA:
Đây là xét nghiệm để chẩn đoán và theo dõi bệnh viêm gan C.
➢ HCV-RNA (+), chứng tỏ đã nhiễm virus HCV hoặc cho thấy cơ thể đã từng nhiễm HCV, cần làm thêm xét nghiệm HCV genotype để có chẩn đoán chính xác hơn.
➢ HCV-RNA (-), cho thấy cơ thể không nhiễm virus hoặc virus hoạt động rất thấp.
5. Siêu âm:
Đây là phương pháp xét nghiệm được áp dụng nhiều vì tính đơn giản và nhanh chóng. Thông qua hình ảnh từ siêu âm ta có thể biết được gan có bị tổn thương hay không, thấy được cấu trúc gan có bất thường để có thể tiến hành các xét nghiệm kiểm tra liên quan khác.
6. Xét nghiệm men gan:
Thông qua việc kiểm tra men gan tăng hay giảm so với bình thường để chẩn đoán được các tế bào gan có đang chịu sự tổn thương hay không, các chức năng gan có xảy ra những dấu hiệu bất thường hay không. Các men gan được kiểm tra phổ biến như ALT, AST, ALP, GGT, AFP, Bilirubin, Albumin,…
7. Sinh thiết gan:
Đây là phương pháp dùng để chẩn đoán bệnh viêm gan hiệu quả và chính xác nhất. Thông qua việc kiểm tra mô tế bào gan dưới kính hiển vi, các bác sĩ sẽ biết được gan bạn có đang bị tổn thương hay không, theo dõi được các bệnh về xơ gan, có sự tấn công của virus, rối loạn chuyển hóa gan hoặc các nguyên nhân gây bệnh khác.