Cổ trướng là triệu chứng cuối cùng của xơ gan giai đoạn cuối. Được mô tả như là sự phình to và xệ xuống của bụng, da bụng căng bóng, do việc tích tụ chất dịch trong khoang bụng giữa thành bụng và thành lá tạng, có thể đẩy rốn lồi ra.
Tăng áp lực tĩnh mạch cửa ở bệnh nhân xơ gan gây cổ trướng
Miêu tả quá trình tăng áp lực tĩnh mạch cửa ở bệnh xơ gan (Ảnh minh họa)
Ở bệnh nhân xơ gan, khi đã có triệu chứng cổ trướng cũng là lúc tình trạng lá gan đã gần như xơ cứng hoàn toàn. Khi này, các mô xơ đã thay thế hầu hết các tế bào gan khỏe mạnh, thay đổi cấu trúc gan, chèn ép các mạch máu làm cản trở dòng lưu thông của máu qua gan. Gan bị xơ cứng như một nút thắt giữa dòng lưu thông của máu qua tĩnh mạch khiến cho áp lực tĩnh mạch tăng cao. Khi này sẽ có hiện tượng rỉ dịch qua thành tĩnh mạch ra bên ngoài và chảy vào khoang bụng.
Bên cạnh đó, khi bị xơ gan, lượng protein tổng hợp được rất ít nên nồng độ protein (trong đó có Albumin) trong máu giảm xuống làm chênh lệch áp suất thẩm thấu giữa bên trong và ngoài tĩnh mạch. Theo cơ chế cân bằng nội môi thì nước và các chất dịch sẽ tràn từ thành tĩnh mạch vào khoang bụng. Gây hiện tượng cổ trướng.
Xét nghiệm Albumin trong máu và trong dịch cổ trướng
Lấy mẫu dịch cổ trướng để xét nghiệm nồng độ ALB (Ảnh minh họa)
Bác sĩ xét nghiệm sẽ lấy máu và dịch cổ trướng của bệnh nhân bằng ống tiêm để đo nồng độ Albumin. Nếu lượng ALB trong máu nhiều hơn trong dịch cổ trướng từ 1,1g/dL trở lên thì chứng tỏ nguyên nhân gây ra cổ trướng đến từ các nguyên nhân về tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Nguyên nhân này liên quan trực tiếp đến các bệnh lý về gan như đã nêu. Cụ thể nhất là xơ gan, suy gan và ung thư gan.
Tỉ lệ ALB giữa máu và dịch màng bụng được gọi là serum-ascites albumin gradient [SAAG] nhằm làm cơ sở để chẩn đoán khả năng nguyên nhân gây ra tình trạng cổ trướng khi chưa rõ nguyên nhân. Nếu tỉ lệ này nhỏ hơn 1,1g/dL có thể cổ trướng đến từ các nguyên nhân còn lại.
Chính xác thì xét nghiệm này là xét nghiệm đơn tốt nhất để xác định cổ trướng do tăng áp lực tĩnh mạch cửa hay không. Xét nghiệm Albumin được chỉ định để xác định những nguyên nhân có thể gây cổ trướng như sau:
1. Tăng áp lực tĩnh mạch cửa: do các bệnh lý như xung huyết gan, xơ gan, viêm gan do rượu, suy gan và các bệnh lý liên quan đến tim.
2. Giảm ALB trong máu: do các bệnh lý như suy thận, bệnh đường ruột, suy dinh dưỡng nặng.
3. Các trường hợp khác: như tràn dịch màng bụng do viêm tụy, u buồng trứng, …
Bên cạnh việc xét nghiệm và đánh giá chênh lệch nồng độ Albumin để xác định cổ trướng có phải do các bệnh lý về gan hay không, cũng cần phải thực hiện các loại xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân chính xác gây nên tình trạng xơ gan.
Thông thường, khi đã có biến chứng cổ trướng do xơ gan thì đã đến giai đoạn cuối của xơ gan, nên việc điều trị lúc này trước là để ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm khác của cổ trướng cũng như của việc tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Nếu không, khả năng tử vong do vỡ tĩnh mạch thực quản và xuất huyết tiêu hóa là rất cao. Sau đó, thực hiện các liệu trình điều trị phù hợp của bác sĩ đưa ra.